Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: trách nhiệm của toàn xã hội

Print Friendly, PDF & Email
1/5 - (1 bình chọn)

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ…

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của người dân; không phải chỉ có Nhà nước, nếu không, chúng ta lại quay về bao cấp”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phải được coi là đầu tư cho phát triển, chứ không phải đầu tư tiêu dùng bình thường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và các KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người lao động có thu nhập thấp, là công nhân lao động tại đô thị và các KCN.

Thực tế hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân trong các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành đầu tư xây dựng xong 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và các KCN, bằng 28% chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương cho rằng, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội hiện còn gặp không ít khó khăn. Việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê còn chậm, mặc dù nhiều chính sách đã được triển khai, tuy nhiên nhiều địa phương chưa kịp thời, dẫn tới kết quả thực hiện chương trình nhà ở xã hội còn chậm, nhất là các dự án nhà ở xã hội tại các KCN, KKT.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 xây dựng thêm 800 nghìn m2 sàn nhà ở công nhân và 1,5 triệu m2 sàn nhà ở cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách mới thu hút đầu tư nhà ở xã hội; bố trí nguồn vốn ngân sách xây dựng thí điểm mô hình đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê với các đối tượng là công nhân trong các KCN bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn vốn ODA đối với các tỉnh để xây dựng nhà ở xã hội và tiếp tục bố trí thêm các gói hỗ trợ tài chính đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, đặc biệt công nhân trong các KCN, KKT.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một trong những yêu cầu quyết định đến hiệu quả chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là sự vào cuộc, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tham mưu ban hành và đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cụ thể hơn; Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu chính sách chiến lược, chương trình phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư; các địa phương bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, đặc biệt là các địa phương có ngành kinh tế công nghiệp phát triển.

Đồng thời, bổ sung chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Nâng cao chất lượng xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ về quy hoạch, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như: giao thông, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa cộng đồng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; các cơ quan Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực thi chính sách và các chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các KCN ở Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai…; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị cộng tác hỗ trợ, tuyên truyền vận động thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng vận động nguồn lực trợ giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

CẨM LY – nguồn “Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Vietnamese VI English EN Chinese (Traditional) ZH-TW Japanese JA Korean KO
02543816640
Call Now Button