Để có cơ sở thực hiện một số điều của Bộ Luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 11/2016 của Chính phủ, vào ngày 25/10/2016, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 40/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định này.
Phạm vi của Thông tư này hướng dẫn về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thông tư có 04 chương với 18 điều, có hiệu lực kể từ ngày 12/12/2016 và thay thế Thông tư số 03/2014 của Bộ này ban hành trước đây.
Một số quy định cụ thể hơn so với Thông tư cũ đó là chi tiết các nội dung cần thiết về văn bản chứng minh là chuyên gia khi được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài xác nhận; đối với văn bản chứng minh là lao động kỹ thuật phải bao gồm: giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về việc đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác với thời gian ít nhất 01 năm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam và giấy tờ chứng minh đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc làm tại Việt Nam. Như vậy, đối với đối tượng lao động kỹ thuật nước ngoài thì Thông tư mới “siết chặt” hơn về điều kiện phải đảm bảo đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật tối thiểu 01 năm, phù hợp vị trí dự kiến sẽ làm và ngoài ra phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm ở chuyên ngành đào tạo trước khi qua Việt Nam làm việc. Với quy định này, sẽ hạn chế việc thu hút lực lượng lao động kỹ thuật là người nước ngoài thiếu chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm đến Việt Nam làm việc. Đảm bảo hiệu quả cao trong việc triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam và tạo cơ hội việc làm cho lao động kỹ thuật là người Việt Nam.
Ngoài ra, Thông tư còn điều chỉnh đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động đang còn hiệu lực mà được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc cùng vị trí công việc tại tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam so với địa điểm ghi trong giấy phép lao động thì không phải cấp giấy phép lao động mới nhưng đơn vị sử dụng lao động phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền tại địa điểm cử người lao động đến làm việc với thông tin cụ thể và bản sao chứng thực giấy phép lao động đã được cấp. Đây cũng là một quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho Doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam./.
-Trúc Chi- P. Thanh tra